Bối cảnh Hiến pháp Bhutan

Ngày 4 tháng 9 năm 2001, đức vua Jigme Singye Wangchuck - Druk Gyalpo thứ 4 của Bhutan, đã thông báo cho Chính phủ Bhutan, Chánh án Tòa án tối cao Bhutan và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn hoàng gia về sự cần thiết phải soạn thảo một bản Hiến pháp cho Vương quốc Bhutan. Nhà vua bày tỏ mong muốn rằng Chính phủ Bhutan cùng với Chánh án Tòa án tối cao Bhutan sẽ tổ chức các phiên thảo luận về việc xây dựng Dự thảo Hiến pháp.[3] Trước năm 2008, mặc dù Vương quốc Bhutan không có Hiến pháp chính thức, nhà vua cho rằng tất cả các nguyên tắc và điều khoản của Hiến pháp đều đã được quy định trong nhiều văn bản luật khác nhau, định hướng hành động của Quốc vương, Chính phủ, hệ thống tư pháp và Quốc hội Bhutan[lower-alpha 1] (còn gọi là Nghị viện Bhutan). Nhận thấy đất nước và nhân dân đã có sự phát triển và trưởng thành về mặt chính trị, nhu cầu cần có một bản Hiến pháp chính thức cho Vương quốc Bhutan đã trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Để hỗ trợ việc soạn thảo Hiến pháp, Chính phủ Bhutan đã bổ nhiệm luật sư Kottayan Katankot Venugopal - một luật sư chuyên về soạn thảo Hiến pháp - làm cố vấn Hiến pháp cho Chính phủ.[4][5]

Druk Gyalpo Jigme Singye Wangchuck nhấn mạnh rằng Hiến pháp phải thúc đẩy và bảo vệ hạnh phúc hiện tại và tương lai của nhân dân và vương quốc Bhutan, phải đảm bảo rằng Bhutan sẽ có một hệ thống chính trị mang lại hòa bình và ổn định, đồng thời củng cố và bảo vệ an ninh và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Trên cơ sở đó, nhà vua đề nghị Chính phủ Bhutan nên thành lập một ủy ban soạn thảo Hiến pháp cho Vương quốc Bhutan. Nhà vua cũng khuyến khích Ủy ban soạn thảo nên có sự tham gia của các quan chức chính phủ, nghị sĩ Hạ viện, công dân am hiểu về luật pháp Bhutan và các cá nhân sẵn sàng đóng góp trong việc thành lập Dự thảo Hiến pháp.[3]

Ngày 30 tháng 11 năm 2001, tại phòng thiết triều của cung điện Tashichho Dzong, Druk Gyalpo Jigme Singye Wangchuck đã chủ trì một buổi lễ trang trọng, đánh dấu sự khởi đầu của việc soạn thảo Hiến pháp.[6] Cuối tháng 3 năm 2005, các bản thảo đầu tiên của Hiến pháp được Chính phủ Bhutan chuyển đến các cơ quan dân sự và chính quyền cấp cơ sở để lấy ý kiến của nhân dân.[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hiến pháp Bhutan http://www.constitution.bt/TsaThrim%20Eng%20(A5).p... http://www.constitution.bt/html/making/meeting.htm http://www.constitution.bt/html/sources/background... http://www.constitution.bt/html/sources/royal.htm http://www.business-standard.com/article/current-a... http://www.kuenselonline.com/modules.php?name=News... http://www.livemint.com/Politics/YyBZ0VOaCHPvfcAKn... http://www.law.harvard.edu/news/bulletin/2007/summ... https://web.archive.org/web/20100715193437/http://... https://web.archive.org/web/20100716124452/http://...